Kinh tế - Nông nghiệp

Phát huy hiệu quả vốn vay từ ngân hàng Chính sách xã hội

08:39 14/08/2019

Tại huyện Chợ Mới, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, từ khi được triển khai thực hiện, Chỉ thị đã đi vào cuộc sống và tạo tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thời gian qua. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác. Hiện nay, các cấp hội, đoàn thể của huyện đang quản lý 3.850 hộ nằm trong 106 tổ tiết kiệm và vay vốn tại Ngân hàng Chính sách – Xã hội (CSXH) huyện, tổng số tiền trên 75 tỷ đồng, giúp nông dân có ý thức làm giàu nhưng thiếu vốn, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi. Có nguồn vốn, được hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hộ mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Qua đây, xuất hiện nhiều mô hình, như làm vườn xen canh, chăn nuôi, trồng rau màu, kinh doanh,… cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 400 trường hợp.

 

Theo chân Hội LHPN xã Tấn Mỹ, thăm gia đình chị Trần Thị Đẹp, chị tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang trên 40m2, từ số tiền vận động được của “Tổ tương trợ”, do Hội LHPN xã Tấn Mỹ thành lập. Và đây còn là một trong những hộ được xét hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội trong nhiều năm qua. Ban đầu chị vay được 20 triệu đồng, 2 vợ chồng về nuôi được 01 con bò, sau 01 năm chăm sóc, số tiền bán bò thu về hơn 40 triệu đồng, trừ chi phí, hoàn vốn lại cho ngân hàng. Thấy gia đình chí thú làm ăn nên chị được Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục cho giải ngân số tiền 40 triệu đồng. Số tiền lời còn lại hơn 10 triệu đồng từ lứa bò vừa bán, cộng thêm 40 triệu đồng vừa được vay thêm chị mua được 02 con bò về nuôi. Không phụ sự cần cù, chịu khó, vậy là cuối năm 2017 chị bán bò, hoàn được vốn cho Ngân hàng và còn lại số vốn hơn 20 triệu đồng.

Tuy thuộc diện hộ nghèo, nhưng đối với hoạt động Hội, chị Đẹp đều tham gia rất nhiệt tình, nhà không ruộng đất, quanh năm 2 vợ chồng tuy làm thuê làm mướn, những vẫn lo chu toàn cho 2 đứa con được đến trường. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội LHPN xã đã giới thiệu cho chị được sự hỗ trợ từ Công ty xổ số kiến thiết Trà Vinh số tiền 35 triệu đồng, để cất lại căn nhà, thay thế căn nhà dựng tạm bợ phải phập phồng mỗi khi mưa bão. Vậy là với số tiền được hỗ trợ cộng thêm phần tích góp thu lợi từ 2 lứa bò, gia đình gồm 04 người giờ đã có giấc ngủ ngon mỗi khi đêm về. Chị Đẹp phấn khởi nói:

“Mơ ước dữ lắm! đâu ngờ có được căn nhà như vầy. Rồi được cũng nhờ được Ngân hàng cho vay vốn mới có cái để chăn nuôi. Mấy anh chị trên đó nhiệt tình lắm! Mình vay, mình lo làm ăn rồi trả đúng hẹn là họ cho mình vay tiếp. Chứ không nghề nghiệp thì làm gì có được mấy chục triệu như vậy. Cám ơn nhiều lắm! Bây giờ chỉ việc lo cố gắng làm, để dành cho con cái sau này.”

Responsive image

Một trong số những trường hợp được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn phát triển sản xuất có gia đình chị Trần Thị Nuôi, sinh năm 1983 là hội viên phụ nữ ấp Kiến Bình 2, xã Kiến An, trước đây thuộc diện khó khăn, không nghề nghiệp ổn định, thu nhập chính của 2 vợ chồng phụ thuộc vào công việc làm thuê, làm mướn sống đắp đổi qua ngày. Cuộc sống của gia đình chị cứ quanh quẩn mãi với khó khăn, nhưng nhờ Hội liên hiệp Phụ nữ xã Kiến An quan tâm động viên kịp thời và tạo điều kiện để chị có điều kiện cải thiện thu nhập gia đình. Năm 2014, chị vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện thông qua sự giới thiệu của Hội LHPN xã, chị mua heo về nuôi, nhưng vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc, đàn heo chị chết chỉ còn lại 02 con. Nhờ sự chỉ dẫn, của chị em trong Hội, vậy là chị bán 02 con heo còn lại, số tiền còn lại chị chuyển sang mua bán gà trống lai. Thấy làm ăn được, vậy là 02 vợ chồng quyết định đầu tư cho việc mua bán gà, cộng với đức tính cần cù, chịu khó, khéo chi tiêu, giờ đây mỗi ngày gia đình chị có thể dành dụm được từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng, lo cho 02 đứa con đang tuổi ăn tuổi học và người cha già đau yếu. Không giấu được niềm phấn khởi, Chị chia sẻ:

"Bây giờ cũng cực lắm, nhưng cực không bằng hồi trước đâu, vì bây giờ buôn bán dù sao cũng đỡ hơn làm mướn, làm mướn 01 ngày chỉ 50.000 đồng đến 60.000 đồng sống đâu có đủ. Rồi con đi học, rồi nếu có bệnh đau nữa là kể như phải đi vay tiền mà lo. Cũng rất cảm ơn mấy cô chú lãnh đạo, chính quyền, mấy cô Hội phụ nữ. Trước không có gì, nhờ có số vốn vay được mà gia đình làm ăn mua bán được, thoát khỏi cảnh nghèo túng, khó khăn."

Với những kết quả đạt được, tiếp tục phát huy hiệu quả thực hiện Chỉ thị 40- của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn vay cũng như nâng cao được đời sống, kinh tế của người dân. Chợ Mới cũng đã chỉ đạo các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến quy trình cho vay từ xác định đối tượng, cho vay, hỗ trợ, thu hồi sau khi vay để đảm bảo chặt chẽ. Ngoài ra, cũng định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hướng dẫn khoa học kỹ thuật; hỗ trợ khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo hiệu quả đồng vốn vay. Có trách nhiệm hoàn thiện cơ chế chính sách; bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho ngân hàng CSXH trên địa bàn. Cùng với đó, phía Ngân hàng CSXH phải có trách nhiệm nâng cao năng lực hoạt động từ việc đào tạo nguồn nhân lực; điều kiện phương tiện làm việc; cải tiến quy trình thủ tục đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng phải dễ thực hiện, dễ kiểm tra giám sát. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đảm bảo chủ trương tín dụng CSXH đến được với người dân, nhất là những người cần, người có nhu cầu./.

 

Kiều Tiên

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>