Kinh tế - Nông nghiệp

An Giang: Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội

09:11 12/08/2019

(Cổng TTĐT AG)- Với những kết quả đạt được trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, UBND tỉnh An Giang sẽ tổ chức hội nghị nhằm tập trung đánh giá những mặt được, những tồn tại, hạn chế, đề ra giải pháp để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Responsive image

Giải ngân vốn tín dụng cho người dân

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang cùng sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan; Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang đã thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Tỉnh. 

Từ khi Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng Chính sách xã hội” (Chỉ thị 40) ra đời, trong 5 năm qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh An Giang đã triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh An Giang như: cho vay nước sạch vệ sinh môi trường đối với hộ cư trú ở khu vực đô thị; cho vay hộ kinh tế khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay hộ gia đình thực hiện chuyển đối cơ cấu vật nuôi, cây trồng; cho vay xuất khẩu lao động các đối tượng khó khăn tài chính, bộ đội, công an xuất ngũ, tu nghiệp sinh kỹ thuật,… 

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Nghị quyết 27/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó cho phép đối tượng đi xuất khẩu lao động nước ngoài vay đến 80 triệu đồng/lao động không phải thế chấp tài sản, trong khi nguồn vốn trung ương vay trên 50 triệu đồng/lao động phải thế chấp tài sản.

UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất và cân đối nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn ngân sách tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố ủy thác sang NHCSXH từ khỉ có Chỉ thị đến nay là 53,373 tỷ đồng. 

Điển hình một số đơn vị có nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH lớn như Ngân sách tỉnh (19 tỷ đồng cho vay Đề án xuất khẩu lao động thị trường thu nhập cao và cho vay hỗ trợ tạo việc làm), thành phố Long Xuyên (06 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh đối với hộ khó khăn), thành phố Châu Đốc (05 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm) , huyện Phú Tân (4,7 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo phát triển làng nghề truyền thống), huyện Tri Tôn (04 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo tập trung vùng đông dân tộc thiểu số), huyện Chợ Mới (3,5 tỷ đồng đồng cho vay chuyển đối cơ cấu cây trồng theo Chỉ thị 09-CT/TU); thị xã Tân Châu (03 tỷ đồng cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ cận nghèo tại các địa bàn đô thị)

Bên cạnh đó, để tăng thêm nguồn lực cho NHCSXH, qua kết quả việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 296/TB-VPUBND ngày 06/8/2018 “đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu chuyển nguồn tiền đang gửi các tổ chức tín dụng khác gửi sang NHCSXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện để tạo nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vận động cán bộ, người thân tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH,...”. Đến 30/6/2019, số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 361,288 tỷ đồng, tăng 315,577 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW, tỷ lệ tăng là 690,37%.

Doanh số cho vay trong 5 năm đạt 3.456 tỷ đồng, với gần 187.000 lượt khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi… 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 354.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Từ đó, góp phần giúp cho hơn 39.200 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho gần 9.500 lao động tại địa phương, trang trải chi phí xuất khẩu lao động của 302 đối tượng; giúp trang trải chi phí học tập cho gần 45.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường nghề.

Trong 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp gần 4.400 hộ tại An Giang tiếp cận vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở, đã giải ngân cho gần 57.000 hộ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn.

Nguồn vốn cũng giúp cho hơn 11.100 hộ dân tộc thiểu số với số tiền 164 tỷ đồng, giúp đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện. Qua đó, đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen trên địa bàn. 

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn; để Chỉ thị số 40 tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian tới Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả đạt được của việc thực hiện tín dụng chính sách theo Chỉ thị 40 đến các địa phương, từ đó các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.

Tham mưu kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT tỉnh, cấp huyện; nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác;  phối hợp với chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể nhận ủy thác tích cực huy động các nguồn vốn để cho vay, trong đó, đẩy mạnh công tác huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư, vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân.

Thường xuyên rà soát, đề nghị xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để hỗ trợ hộ vay vốn giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. 

Hoàn thiện tất cả các mặt hoạt động của Điểm giao dịch xã, xây dựng điểm giao dịch xã kiểu mẫu nhất là chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch là nhân tố quan trọng để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn…/. 

 

Nguồn: Cổng TTĐT AG

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>