Kinh tế - Nông nghiệp

Phát triển mô hình du lịch vườn

04:40 15/08/2019

Những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển như “vũ bão” của các loại hình du lịch như: du lịch khám phá, du lịch tham quan, du lịch giải trí... thì ở nông thôn nhiều hộ nông dân đã nhạy bén phát triển mô hình du lịch miệt vườn đã và đang thú hút đông đảo nhiều du khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

 

Vào một buổi sáng của ngày đầu tháng 08, chúng tôi có dịp tham quan mô hình du lịch miệt vườn kết hợp với du lịch sinh thái của hộ ông Nguyễn Văn Hùm ngụ ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ. Tình cờ hôm đó chúng tôi bắt gặp đang có nhiều du khách trong và ngoài địa phương đến đây để tham quan. Nhìn vẻ mặt du khách khi đến nơi này, chúng tôi cảm nhận được sự thích thú, phấn chấn khi được trải nghiệm không gian miệt vườn mát mẻ, thoáng đảng với nhiều loại cây trái như: ổi, mận, sơ ri, xoài ba màu…. mà trong đó nổi bật nhất là hàng dừa dứa thẳng hàng đang trĩu trái dẫn vào vườn nhà ông. Chỉ với 20.000 đồng, tiền vé vào cổng du khách có thể tham quan vườn, ăn trái cây (chủ yếu xoài), tham gia các trò chơi dân gian như: cầu treo, cầu dây, cáp treo thủ công, bơi xuồng, xe đạp dưới nước.... Ngoài ra, khi du khách đến điểm du lịch miệt vườn của ông còn được trải nghiệm, hóng mát, ngắm cảnh thiên nhiên và quan sát những cánh đồng xoài xanh bát ngát trên đài quan sát tại khu vườn nhà ông. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - một du khách ở Bình Phước Xuân vui vẻ nói:

“Khi mà mình đặt chân đến khu du lịch miệt vườn của chú Út Hùm thì tạo ra cảm giác mình thoải mái, không khí trong lành và thoáng mát. Khi tôi đặt chân đến lần thứ nhất thì tạo cảm giác cho tôi muốn quay lại nhiều lần nữa”.

Responsive image
 

Responsive image

Responsive image

Bên cạnh đó, du khách khi đến đây còn có thể tham gia và trải nghiệm một trò chơi mang đậm chất dân dã đó là bắt cá dưới mương với các dụng cụ có sẵn như: nôm, chài, lưới, câu... cùng với bếp ăn phục vụ tại chỗ khi du khách bắt cá xong có thể tự tay mình chế biến hoặc yêu cầu chủ nhà vườn chế biến theo sở thích của mình. Song song đó, khi đến đây du khách còn được tự tay hái những trái dừa dứa tràn đầy nước và hưởng thức các món ăn đồng quê mang đậm chất miền tây mà không phải ở đâu cũng có như: canh chua, bánh xèo, ốc hấp tiêu, chuột đồng nướng, gỏi gà ta... Mặt khác, để tiện cho khách tham quan có yêu cầu nghỉ ngơi qua đêm, ông còn xây dựng 04 Home Stay, mỗi phòng 02 người với giá cả phải chăng. Chỉ với 3.000 m2, mỗi năm điểm du lịch miệt vườn của ông thu hút khoảng gần 4.000 lượt  khách trong nước và quốc tế, đồng thời để tăng thêm thu nhập cho gia đình và được nhiều du khách nước ngoài biết đến ông còn hợp tác với công ty du lịch Đời Sống Đông Dương tổ chức đưa đón khách đến tham quan tại điểm du lịch miệt vườn nhà ông, chủ yếu là khách quốc tế như: Anh, Pháp, Mỹ, Canađa... Trao đổi với chúng tôi chú Nguyễn Văn Hùm chia sẻ:

“Nói chung thì cũng nghe trên thông tin đại chúng trên báo, đài những năm về trước đó với lại mình cũng nắm bắt được tình hình Quyết định mà phát triển du lịch 03 xã Cù Lao, từ đó mình có ý tưởng là mình cải tạo lại cái vườn sẵn có của mình và mình chỉ thêm một số hạng mục để phát triển thành du lịch miệt vườn để mà phục vụ cho du khách nghỉ ngơi, hưởng cảnh thiên nhiên đồng thời cũng tạo sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi, học sinh nó đến để nó  chơi, nó hóng mát, giải trí sau những ngày học mệt mỏi”.

Ông cho biết thêm kể từ sau khi UBND tỉnh công bố Quyết định đề án phát triển du lịch 03 xã Cù Lao Giêng gia đình ông được chính quyền địa phương khuyến khích, vận động làm du lịch miệt vườn. Ban đầu ông cũng rất ngán ngại và lo âu – do đây là mô hình còn mới mẻ, trên địa bàn xã lại chưa có ai làm cùng với chi phí đầu tư khá cao, tuy nhiên sau khi được tham quan, học hỏi một số mô hình du lịch miệt vườn ở các tỉnh bạn, ông bắt đầu mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng vườn cây ăn trái, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao lại vừa có trái cây phục vụ du khách khi có yêu cầu. Một nét đặc trưng tại điểm du lịch miệt vườn nhà ông là các dịch vụ phục vụ du khách như: phòng nghỉ qua đêm, lều trại phục vụ ăn uống cho du khách, nhà vệ sinh công cộng, bàn ghế... đều làm bằng tre, lá và gỗ, góp phần tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đơn sơ, mộc mạc và hết sức gần gũi với du khách mang đậm nét đặc trưng của một vùng quê. Anh Trần Đức Anh – Tổ trưởng, tổ quản lý du lịch 03 xã Cù Lao Giêng thông tin thêm:

“Để cho phát triển thêm du lịch sinh thái miệt vườn thì chủ trương của huyện, của các đơn vị liên quan thì sắp tới sẽ kêu gọi các nhà đầu tư, rồi kêu gọi các cá nhân, các tập thể, chủ yếu là các hộ Nông dân mạnh dạn đầu tư để phát triển du lịch miệt vườn này, nó là tiền đề để cho các địa điểm du lịch khác có hướng hoạt động cơ bản và xây dựng phát triển du lịch mới mẻ hơn, chất lượng hơn”.  

Có thể nói, du lịch miệt vườn ngày càng phát triển và đang trở thành đối trọng thật sự so với các ngành du lịch khác trong tương lai. Việc phát triển du lịch miệt vườn sẽ góp phần đáng kể vào việc khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch sẵn có nơi đây, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo việc làm ổn định cho người dân trên xứ Cù Lao này./.

 

Thanh Phong

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>