Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới ở huyện cù lao

08:06 30/10/2019

Chợ Mới là huyện đi đầu của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó việc xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Để thực hiện định hướng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Mới đã có những cách làm đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng chuyên canh theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững.

 

Dấu ấn những công trình

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu chia sẻ: “Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng thật sự đạt hiệu quả, huyện Chợ Mới tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, hoàn thiện bờ bao kiểm soát lũ triệt để sản xuất 3 vụ ăn chắc. Nổi bật là việc hoàn thành thực hiện dự án Nam Vàm Nao, trạm bơm mẫu mương ông Cha, các dự án tưới công nghệ cao... Đây là những công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, huyện từng bước hoàn thiện 166 công trình đê kết hợp giao thông nội đồng có tổng chiều dài 565km, toàn bộ 519 trạm bơm dầu đã chuyển sang bơm điện. Nhờ đó hệ thống giao thông, thủy lợi kết hợp hệ thống đê bao có khả năng chống lũ triệt để của 84 tiểu vùng và tạo nên hệ thống giao thông nội đồng hoàn chỉnh, đồng bộ. Đây là hiệu quả lớn nhất của huyện cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu.

Quan điểm của huyện Chợ Mới là lấy phát triển sản xuất, tạo thu nhập làm trọng tâm. Từ những chủ trương và giải pháp quyết liệt, phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương đã giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế gia đình. Mỗi xã, thị trấn có cách bứt phá, đi lên bằng sự năng động, phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống mới, góp phần làm khởi sắc thêm diện mạo NTM.

Responsive image

Nông dân Chợ Mới năng động chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao

Có dịp đặt chân đến huyện Chợ Mới sẽ thấy địa phương nào cũng có mô hình chuyển dịch thành công, gia tăng đáng kể giá trị thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Điển hình như 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) đã chuyển đổi 100% diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng vườn; hình thành vùng chuyên canh xoài tập trung diện tích 4.200ha, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Hiệu quả phát triển kinh tế

10 năm qua (2008-2018), Chợ Mới đã chuyển dịch 4.932ha diện tích đất canh tác nông nghiệp, trong đó chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái gần 3.300ha. Hiện nay, diện tích đất trồng lúa của huyện còn 14.128ha (chiếm 57,28% diện tích đất nông nghiệp). Giá trị sản xuất bình quân 114,21 triệu đồng/ha. Rau màu, cây ăn trái chiếm 4.106ha, đạt giá trị bình quân gần 393 triệu đồng/ha; cây ăn trái 6.665ha, đạt 322 triệu đồng/ha.

Kiểm tra kết quả xây dựng NTM và các công trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đánh giá cao kết quả thành tựu chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Chợ Mới. Huyện đã hình thành nên các vùng chuyên canh tập trung cây ăn trái, đúng định hướng quy hoạch của tỉnh, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng diện tích đất canh tác của huyện, tỉnh. Năm 2019, giá trị sản xuất trung bình 1ha đất nông nghiệp 316 triệu đồng, tăng 193 triệu đồng/ha so năm 2018. Từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, số lượng nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu ngày càng nhiều. Đã hình thành nên làng tỷ phú trên đất cù lao nhờ cây xoài. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm giảm rõ rệt, hiện còn 2,4%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần 29 triệu đồng so 10 năm trước.

Định hướng lâu dài

Chợ Mới còn quan tâm sản xuất nông nghiệp an toàn, hướng đến xuất khẩu. Huyện thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài 3 màu quy mô 500ha đạt chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm” ở 3 xã cù lao Giêng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019. Để phát huy hiệu quả, giá trị các công trình của dự án Nam Vàm Nao, huyện Chợ Mới đang xây dựng đề án “Phát huy hiệu quả hệ thống kiểm soát lũ Nam Vàm Nao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng chuyên canh của huyện.

Kết quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã thu nhiều kết quả quan trọng: từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống nhân dân. Mở ra nhiều cơ hội để huyện nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Đến nay, huyện Chợ Mới đã có 8/16 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã cù lao Giêng phấn đấu cuối năm 2019 đạt NTM nâng cao.

Với những kết quả đạt được, cùng với sự đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, tin rằng Chợ Mới sẽ ngày càng đổi mới, phát triển, bộ mặt nông thôn càng thêm khởi sắc. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Chợ Mới đạt chuẩn NTM vào năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện Chợ Mới và xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Nguồn: Báo An Giang Online

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>