Học và Làm theo Bác

Nữ Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Chợ Mới gương mẫu, học tập và làm theo Bác

03:53 08/10/2019

Gương mẫu, nhiệt tình, đầy trách nhiệm hết lòng vì sự nghiệp giáo dục đó là Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Chợ Mới cô Trương Thị Lẹp. Mặc dù là người giáo viên hưu trí nhưng cô rất quan tâm đến hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương cùng cộng đồng chăm lo cho thế hệ trẻ trên con đường học vấn, được mọi người trân trọng, quý mến, đánh giá cao như là một gương sáng điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Cô sinh năm 1956 tại Ấp Long Hòa, thị trấn Chợ Mới, trong gia đình bần nông, là người con thứ 10 trong gia đình, thuở xưa vì quá nghèo, lúc 10 tuổi cô cùng chị 9 (Trương Mỹ Đẹp) làm rẫy, mò cua, bắt ốc, hái rau,… để phụ giúp gia đình. Dù gia cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng bù lại gia đình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, đầy đủ tình thương của cha mẹ và anh chị em. Đó là nghị lực phấn đấu để cô lao động và quyết tâm học tập để thoát nghèo.

Năm 1975, cô và người chị cùng đi học ngành sư phạm tại An Giang, đến năm 1977 ra trường, rồi hai chị em đi công tác xóa mù chữ ở vùng Bảy núi An Giang. Tại đây, được tiếp xúc với dân nghèo, thất học cô đã quyết tâm “Dạy chữ, dạy người” bằng cả tấm lòng nhiệt huyết của mình. Đến năm 1978 cô về dạy ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới. Thời buổi kinh tế khó khăn một buổi đi dạy còn một buổi đi làm cỏ mướn cho bà con gần nhà, nhưng cô vẫn quyết tâm không rời bục giảng.

Responsive image
 

Về vấn đề học và nêu gương theo Bác, Cô luôn tâm đắc nhất là sự mong muốn tột cùng của Bác đó là “Ai cũng được ấm no hạnh phúc; Ai cũng được học hành”. Từ khi làm theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cô càng có ý thức và hiểu rõ hơn phải làm gì, làm như thế nào để học tập và làm theo Bác. Cô học ở Bác về nề nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm đó là phương châm là kim chỉ nam là lẽ sống của cuộc đời cô. Lời Bác dạy vô cùng bao la nhưng gần gũi, giản dị, phong cách đơn thuần nhưng vĩ đại biết bao. Bác là người cha tuyệt vời đối với cô và cả nhân loại. Ai học được người sẽ thấy tâm hồn thảnh thơi và nhàn hạ.

Cô tâm sự: "Việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thì công việc này tôi thể hiện hằng ngày, qua những việc làm thiết thực như việc làm bản thân, của gia đình, học tập Bác là phải học tập suốt đời, và học tập rất nhiều học tập về tác phong, về phong cách về đạo đức của Bác. Trong thời gian còn làm việc ở trường học, lúc làm Ban giám hiệu nhờ học tập ở tác phong của Bác, lề lối làm việc, đạo đức rồi giải quyết công việc, nhờ học tập Bác mà tôi đã vượt qua mọi khó khăn mặc dù thời kỳ đó năm 75, năm 80 thời kỳ đó kinh tế rất khó khăn, nhưng nhờ vào đó mà tôi đã giữ vững trong ngành giáo dục cho đến ngày về hưu. Thì khi đã về hưu rồi biết rằng hoàn cảnh gia đình mình lúc này đã tạm ổn rồi, cho nên công việc mình bây giờ phải nhớ tới Bác dạy là “Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ cũng cố làm” bản thân xuất thân từ ngành giáo dục ra trong 32 năm với 2 tháng công tác trong ngành giáo dục, tôi rất tâm đắc và thương học sinh nghèo, từ đó cho nên khi về hưu rồi tôi vào làm công tác khuyến học từ năm 2010 tại gì bản thân hồi xưa làm trong ngành giáo dục thấy học trò rất khổ, có những đứa học trò nghèo, có đôi khi vì nghèo mà bỏ học thì rất tội nghiệp, do đó mà tôi quyết tâm làm công tác khuyến học.

Xuất phát từ tấm lòng, cứ vào khoảng tháng 7 hằng năm là cô bắt đầu tiến hành vận động quỹ khuyến học để phát quà tiếp bước đến trường đầu năm học. Những lúc đi vận động đôi lúc gặp khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND, UBMTTQ VN và các hội đoàn thể mạnh thường quân và các nhà hảo tâm, đặc biệt là Quỹ đóng góp của Ban quản lý dinh ông Nguyễn Hữu Cảnh đã hỗ trợ mỗi năm 10 triệu đồng. Được biết, mỗi đợt cô vận động quỹ được 22 triệu đồng, 2.250 quyển tập, 240 cây viết để phát quà tiếp bước đến trường đầu năm học.

 Cuộc sống này càng thêm ý nghĩa hơn khi những cô cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn trước đây từng được cô hỗ trợ giờ đã thành đạt, có địa vị trong xã hội, thậm chí có em xuất ngoại và thành đạt hướng về quê hương, thường gửi tiền về cho gia đình để cùng cô giúp đỡ học sinh nghèo có điều kiện đến trường đều đặn hàng năm; hay gởi tiền về cho gia đình lập cơ sở may để giúp nhiều phụ nữ có việc làm tại địa phương. Có học sinh hiện là Trưởng Phó các ban ngành vẫn có phong cách làm việc tốt và cái tâm giúp gia đình và học trò được tiếp bước đến trường.

Cô Trần Thị Lẹp trải lòng: lúc đầu khi làm công tác khuyến học lúc đó cũng khó khăn tại vì quỹ không có, phải đi vận động nhưng nhớ tới Bác “Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ cũng cố làm” cho nên tôi cố gắng làm cho địa phương, giúp cho học sinh thì mong cho các em nghèo đừng có bỏ học nhất là những em nghèo vượt khó, hiếu học tiến bộ và học thành đạt, thì vì đối với tôi bây giờ, nhìn lại khoảng thời gian gần 10 năm làm công tác khuyến học tôi cảm thấy cuộc đời mình rất có an ủi, an ủi ở chỗ, học trò mình bây giờ nó nghèo, nó vượt khó, nó thành đạt thì đó đã giúp học sinh mình rồi giờ nó lo được cho gia đình và nó trách nhiệm đối với gia đình, đối với xã hội. Niềm an ủi lớn nhất của tôi là tôi chỉ mong“Giúp người không đợi trả ơn; Miễn tròn trách nhiệm còn hơn bạc vàng".

Cô khiêm tốn cho biết, tuy học được ở Bác không nhiều nhưng cũng đủ cảm thấy cuộc đời không đơn lẻ, rất ấm áp tình thương từ gia đình đến xã hội, hiện nay gia đình cũng đã tạm ổn, các cháu đều có việc làm ổn định, luôn ghi nhớ những lời khuyên dạy của cha mẹ luôn giữ được nề nếp, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Tất cả đã tạo thêm nghị lực, trái tim khát khao yêu thương, chia sẻ, đặc biệt đối với trẻ em nghèo, không có điều kiện để tiếp tục đến trường. Nói về Cô, đồng chí Nguyễn Nhị Hoàng Anh, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn Chợ Mới nhận xét:

“Đối với cô Trương Thị Lẹp, cô là một người luôn sống giản dị, hòa đồng, gần trọn đời chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, từ lúc đứng trên bục giảng đến làm công tác quản lý cô đều quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với những đóng góp của cô cho phong trào khuyến học khuyến tài giúp tỉ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học trên địa bàn giảm xuống mức thấp nhất. Những đóng góp ấy, góp phần vào thành tích chung của sự nghiệp giáo dục huyện nhà, nhất là thị trấn Chợ Mới. Những kết quả đạt được như thế thì trên địa bàn có 04 trên 05 trường đạt chuẩn quốc gia, công tác phổ cập chống mù chữ được giữ vững. Ở cuộc sống đời thường cô là một người dì, người cô, người bà hết lòng chăm lo cho con cháu, với sự giúp đỡ của cô, con cháu của cô đã trở thành người có ích cho xã hội”.

Có thể thấy rằng những việc làm của cô Trương Thị Lẹp xuất phát bằng tấm lòng yêu thương, ân tình, đầy trách nhiệm đối với con người, đối với xã hội. Học và làm theo gương Bác, cái cụ thể nhất, thiết thực nhất với cô chính là ở tấm lòng khuyến học với mong muốn duy nhất là các em sẽ vượt qua khó khăn để học tốt, vươn tới đỉnh cao của “Tâm và tài” để lập thân lập nghiệp, xây dựng quê hương đất nước. Giá trị lớn lao qua những đóng góp của cô không phải chỉ là vật chất mà là giá trị của tinh thần và sự lan tỏa, tiếp nối tình yêu thương bao la của Bác./.

Nguyễn Ngọc Thừng - Kim Hằng

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>