Huyện Chợ Mới

UBND xã Hội An

  • Ông Bùi Minh Trí

    (Chủ tịch xã)

    Điện thoại: 0932.909.098

  • Công chức Tư pháp - Hộ tịch

    Bà: Phan Thị Phường

    Điện thoại: 0974.596.106

    Ông: Lê Công Bằng

    Điện thoại: 0938.080.813

  • Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

Tổ Chức Bộ Máy Hành Chính

Thông tin địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên, lịch sử, truyền thống, văn hóa, di tích Xã Hội An

05/08/2020

Thông tin địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên, lịch sử, truyền thống, văn hóa, di tích:

- Địa giới hành chính:

Xã Hội An là một xã nằm về phía Đông Nam của huyện Chợ Mới, với tổng diện tích tự nhiên là ha, chiếm 6.26% so với tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Địa giới hành chánh của xã được xác định như sau:

- Phía Đông Bắc giáp với xã Bình Phước Xuân

- Phía Đông và Đông Nam giáp với tỉnh Đồng Tháp

- Phía Tây và Tây Bắc giáp với xã An Thạnh Trung và Mỹ An

- Phía Nam và Tây Nam giáp với xã Hòa Bình và Hòa An.

Toàn xã có 10 ấp bao gồm các ấp như sau: Thị 1, Thị 2, An Phú, An Ninh, An Thuận, An Khương, An Thái, An Bình, An Thịnh, An Thới.

Xã có đường tỉnh lộ 942 là trục giao thông quan trọng nối liền với thị trấn Chợ Mới và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và có Sông Tiền chảy qua tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, giao lưu kinh tế với các xã lân cận và khu vực cả về đường bộ và đường thủy, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đặc biệt xã có sông tiền chảy qua nên rất thuận lợi về vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện có trọng tải lớn.

- Điều kiện tự nhiên:

Xã Hội An là xã đồng bằng, có địa hình tương đối bằng phẳng, cao độ bình quân là 1.3m; độ dốc địa hình từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam. Với địa hình cao nhất từ 1.5-2.4m, nằm dọc sông tiền và thấp dần vào phía nội đồng.

Địa chất mang tính phổ biến của huyện nói riêng và của Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung là nền đất yếu, cường độ chịu lực, chịu tải kém nên khi xây dựng các công trình kiên cố phải có biện pháp xử lý, gia cố nền móng một cách phù hợp.

Mang đặc điểm chung của huyện là nằm trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nên chịu ảnh hưởng khí hậu chung của toàn vùng là có khí hậu nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt cao và ổn định, lượng mưa tương đối nhiều và phân bố theo mùa. Trong năm phân làm hai mùa rõ rệt:

- Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11

- Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 năm sau.

Xã Hội An nằm ở phí nam sông Tiền, có hệ thống kênh rạch dày đặc, phân bổ đều rộng khắp trên địa bàn xã, chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ thủy văn sông Tiền, nguồn nước ngọt dồi dào đủ phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

- Lịch sử, truyền thống, văn hóa, di tích:

Trích theo quyển “Lịch sử 90 năm đấu tranh và xây dựng của Đảng bộ và nhân dân xã Hội An 1930-2020”

Xã Hội An ngày nay nguyên xưa thuộc vùng đất Tầm Phong Long, đất này tương ứng từ Vĩnh Long, Sa Đéc lên tận Châu Đốc. Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn đem đất này dâng cho chúa Nguyễn để tạ ơn đã giúp giành lại ngôi vua, cũng từ đó, đất Tầm Phong Long chính thức do chúa Nguyễn cai quản. Trên đất mới tiếp nhận, chúa Nguyễn cho lập ra 3 đạo: Tân Châu đạo, Châu Đốc đạo, Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), cả 3 đạo này đều thuộc dinh Long Hồ. Đạo Tân Châu tương ứng với phần đất của các huyện Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, Tân Châu của tỉnh An Giang ngày nay. Như vậy, từ giữa thế kỷ XVIII, vũng đất xã Hội An ngày nay thuộc đạo Tân Châu, dinh Long Hồ.

Năm 1779, chúa Nguyễn Ánh cho đổi dinh Long Hồ thành dinh Hoằng Trấn. Năm 1780 lại đổi dinh Hoằng Trấn thành dinh Vĩnh Trấn, dinh này có 1 châu và 3 tổng. Vùng đất xã Hội An ngày nay thuộc tổng Bình An, châu Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn.

Năm 1805, vua Gia Long chia cả nước thành 23 trấn, 4 dinh. Năm 1808, dinh Vĩnh Trấn đổi thành trấn Vĩnh Thanh1; châu Định Viễn đổi thành phủ Định Viễn; tổng Bình An đổi thành huyện Vĩnh An, huyện này trông coi 2 tổng và 81 thôn. Vùng đất xã Hội An ngày nay nằm trên địa phận của thôn Cựu Hội An, tổng Vĩnh Trung, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh lúc bấy giờ.

Năm 1832, vua Minh Mạng đổi 5 trấn ở Nam Bộ thành 6 tỉnh (Lục tỉnh Nam Kỳ). Tỉnh An Giang trông coi 2 phủ, 4 huyện, 18 tổng. Vùng đất xã Hội An ngày nay nằm trong địa phận thôn Hội An, tổng An Thạnh, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang lúc bấy giờ.

Theo Địa bạ triều Nguyễn lập năm 1836, thôn Hội An có vị trí: “Đông giáp địa phận thôn Mỹ An, lại giáp thôn Tân Bình (tổng An Phú, huyện Đông Xuyên). Tây giáp thôn Mỹ Luông (tổng An Toàn, huyện Đông Xuyên). Nam giáp 2 thôn Bình Thành Tây, An Hòa (tổng An Phú, huyện Đông Xuyên). Bắc giáp sông và địa phận thôn Mỹ An”2. Như vậy, thôn Hội An lúc đó rất rộng, bao gồm các xã Hội An, Hội An Đông, Mỹ An Hưng A và một phần An Thạnh Trung ngày nay.

Năm 1868, thực dân Pháp chia 6 tỉnh Nam Kỳ thành 27 hạt thanh tra. Tỉnh An Giang chia làm 3 hạt: Châu Đốc, Sa Đéc, Ba Xuyên. Hạt Sa Đéc có 3 huyện: An Xuyên, Vĩnh An, Phong Phú. Huyện Vĩnh An quản lý 4 tổng, 33 thôn. Vùng đất xã Hội An ngày nay nằm trong địa phận thôn Hội An, tổng An Thạnh, huyện Vĩnh An, hạt Sa Đéc.

Năm 1876, thực dân Pháp lại chia Nam Kỳ thành 4 khu vực: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassác (Hậu Giang); các hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện; thôn đổi thàng làng. Vùng đất xã Hội An ngày nay nằm trong địa phận làng Hội An, tổng An Thạnh, huyện Vĩnh An, hạt Sa Đéc, khu vực Vĩnh Long.

Khoảng năm 1893, phần đất phía bắc của làng Hội An (từ khu vực cống Rộc Sen đến gần bắc An Hòa ngày nay) được tách ra để lập làng mới Hội An Thượng. Địa phận 2 ấp An Bình, An Thới của xã Hội An ngày nay thuộc làng Hội An Thượng lúc bấy giờ.

Năm 1899, thực dân Pháp ra nghị định bỏ hạt tham biện, lập lại tỉnh. Tỉnh An Giang cũ (thời lục tỉnh Nam Kỳ) được chia thành 5 tỉnh mới: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Dưới tỉnh là quận (bỏ huyện), tổng, xã (bỏ làng). Vùng đất xã Hội An ngày nay nằm trên phần lớn địa phận xã Hội An và một phần xã Hội An Thượng, tổng An Thạnh Thượng, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc lúc bấy giờ.

Năm 1917, xã Hội An chia thành Hội An và Hội An Đông, địa phận 2 ấp An Thái, An Thịnh của xã Hội An ngày nay thuộc Hội An Đông bấy giờ. Như vậy, sau khoảng 100 năm, thôn Cựu Hội An thời vua Gia Long đã phát triển thành 3 xã Hội An, Hội An Thượng, Hội An Đông. Vùng đất xã Hội An ngày nay tương ứng với xã Hội An lúc bấy giờ và một phần của xã Hội An Thượng (ấp An Bình, An Thới) và một phần của xã Hội An Đông (ấp An Thái, An Thịnh) thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc. Ngày nay, chỉ còn lại tên gọi của 2 xã Hội An và Hội An Đông, tên gọi Hội An Thượng không còn tồn tại.

Từ năm 1913 - 1924, thực dân Pháp giải thể tỉnh Sa Đéc để nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Trong giai đoạn này, từ 1913 - 1921, xã Hội An thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Cao Lãnh, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1916, thực dân Pháp thành lập 2 quận Sa Đéc và Lai Vung thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1921, quận Cao Lãnh giao tổng An Thạnh Thượng về quận Sa Đéc, xã Hội An thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Sa Đéc, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1924, thực dân Pháp tái lập tỉnh Sa Đéc, quận Sa Đéc đổi thành quận Châu Thành, xã Hội An Thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Địa giới này duy trì đến năm 1945.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có thời gian xã Hội An thuộc quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc. Trong năm 1956, toàn bộ rạch Cái Nai gồm cả 2 ấp An Bình và An Thái của Hội An Đông được trả về cho xã Hội An. Tháng 10/1957, ngụy quyền Sài Gòn giải thể tỉnh Sa Đéc; nhập 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Từ đây, xã Hội An thuộc tổng An Bình, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang. Địa giới này duy trì đến tháng 4/1975, kể cả lúc ngụy quyền chia tỉnh An Giang thành 2 tỉnh An Giang, Châu Đốc vào năm 1964.

Dưới chính quyền cách mạng: Sau cách mạng tháng 8/1945, xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Từ 1948 - 1951, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Long Châu Tiền. Từ 1951 - 1954, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Long Châu Sa. Từ 1954 - 1957, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Từ 1957 - 1965, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Từ tháng 12/1965 - 5/1974, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Kiến Phong. Từ tháng 5/1974 - 2/1976, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Sa Đéc. Từ tháng 2/1976 đến nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Từ 2/1976 - 3/2008, xã Hội An có 6 ấp: Ấp Thị, An Phú, An Ninh, An Khương, An Bình, An Thái. Từ tháng 3/2008 đến nay, xã Hội An có 10 ấp: Ấp Thị 1, Ấp Thị 2, An Phú, An Ninh, An Thuận, An Khương, An Thới, An Bình, An Thái, An Thịnh.

Trên địa bàn xã có nhiều cấp trường như: Mẫu giáo, 03 Trường Tiểu học, 02 Trường Trung học cơ sở, 01 Trường THPT Huỳnh Thị Hưởng, đảm bảo việc học tập cho người dân trong và ngoài địa bàn xã, góp phần nâng cao trình độ dân trí.

Về Cơ sở thờ tự, tôn giáo: có 02 thánh thất Cao đài, 01 Nhà thờ (ấp An Phú); 01 BTS PGHH, 01 Đình thần Hội An (ấp Thị 2); 01 am Bảy Bà, 01 chùa Phước Hội(ấp Thị 1); 01 chùa An Phước (ấp An Ninh) và 01 Mộ Bà (ấp An Bình), có trên 80% bà con tín đồ theo tôn giáo, số còn lại thờ cúng ông bà hoặc không theo tôn giáo nào.

UBND xã Hội An - huyện Chợ Mới

Copyright © 2018 chomoi.angiang.gov.vn/wps/portal/Home/hoian.All Rights Reserved