08:17 18/04/2025
Nhận thức sâu sắc vai trò then chốt của chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục – đào tạo (GD-ĐT), Trường THPT Võ Thành Trinh (xã Hòa Bình) đã có những bước đi quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả trong suốt 5 năm học gần đây. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT An Giang, nhà trường đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện, xem đây là đòn bẩy nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý và phát triển năng lực số cho cả thầy và trò.![]() |
Từ năm học 2019–2020, với sự hỗ trợ của Microsoft Việt Nam, toàn thể giáo viên, nhân viên và học sinh (HS) của trường được cấp tài khoản Office 365, khai thác mạnh mẽ các công cụ như Teams, Outlook, OneNote, Forms, Sway, Stream... phục vụ quản lý, giảng dạy và học tập. Tài khoản mới tiếp tục được cấp thường niên cho HS lớp 10 trúng tuyển, tạo nên một chuỗi hoạt động đồng bộ, xuyên suốt.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Microsoft Teams trở thành “lớp học không tường” – giúp nhà trường duy trì ổn định hoạt động dạy học trực tuyến và nhanh chóng chuyển sang mô hình dạy - học kết hợp sau đó. Nhờ vậy, nhà trường đã thích ứng linh hoạt trong việc vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh Teams, Microsoft OneNote còn được ứng dụng để quản lý hồ sơ tổ chuyên môn, kiểm định chất lượng giáo dục. Power Apps được sử dụng để xây dựng tài liệu hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, phát triển thư viện số, phân tích dữ liệu học tập HS. Đặc biệt, một bước đột phá trong công tác chuyển đổi số là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý và giảng dạy. Trường đã xây dựng hệ thống Chatbot hỗ trợ HS và phụ huynh tra cứu thông tin, cùng website và Chatbot hướng nghiệp AI – được phát triển bằng Microsoft Copilot Studio – giúp HS lớp 12 xác định sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp, đồng thời rèn luyện kỹ năng số và tư duy công nghệ.
Cô Đỗ Thị Kim Thoa, giáo viên Trường THPT Võ Thành Trinh chia sẻ:
“Thuận lợi đầu tiên nhất mà trường thấy khi được sử dụng bộ Office này, đó chính là Microsoft Teams. Microsoft Teams vừa được áp dụng vào giảng dạy, hội họp, có thể là quản lý về mặt chuyên môn cũng như là quản lý học sinh trực tiếp trên lớp. Và vừa rồi, trong giai đoạn kiểm định chất lượng giáo dục trường học, nhà trường cũng sử dụng OneNote và AppNow để thực hiện lưu trữ thông tin cũng như những minh chứng để phục vụ cho công tác kiểm định chất lượng. Công tác này cũng được Sở GD-ĐT đánh giá có áp dụng chuyển đổi số trong quản lý cũng như các công tác khác.
Bên cạnh đó, ở trường, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong các mặt hoạt động. Ví dụ như thiết kế bài tập cho HS để giao về nhà. Học sinh có thể ở mọi nơi, mọi lúc làm bài tập mà không cần phải vào lớp. Ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế gameshow, trò chơi, những tình huống bằng phần mềm ứng dụng để HS hứng thú hơn, đặc biệt là trong phần khởi động của tiết học. Thiết kế bài dạy có thể tạo ảnh, tạo hình, hướng dẫn HS áp dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức. Giáo viên không chỉ ứng dụng mà còn chuyển giao công nghệ cho toàn bộ học sinh từ lớp 10, 11, 12.”
Từ năm học 2023–2024 đến nay, trường đẩy mạnh việc cho giáo viên, HS tiếp cận và sử dụng AI trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu. Các em được khuyến khích tham gia các cuộc thi công nghệ, dự án sáng tạo nhằm phát triển kỹ năng tự học, khai thác thông tin và định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số. Em Võ Anh Kiệt, lớp 12A4, bày tỏ:
“Trước khi áp dụng công nghệ thông tin vào, sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng khi áp dụng rồi mình thấy có nhiều ưu điểm vượt trội. Như là có thêm nhiều công cụ hỗ trợ học tập, giúp mình tìm hiểu bài học dễ dàng hơn. Ví dụ như khi không biết làm bài, mình có thể lên mạng tra cứu hoặc học trực tuyến. Mạng xã hội ngày nay cũng giúp mình kết nối với nhiều bạn bè để trao đổi bài, không chỉ trong trường mà cả ở những nơi khác.”
Nhờ ứng dụng công nghệ số, HS không ngừng tỏa sáng ở nhiều sân chơi công nghệ: đạt chứng chỉ MOS, MCE của Microsoft; kết nối giao lưu quốc tế qua Teams; ứng dụng Minecraft vào dự án khoa học kỹ thuật; thiết kế website; sử dụng Sway trong thi giới thiệu sách, viết nhật ký đọc sách; tổ chức tiết đọc trực tuyến; học kỹ năng số trên Microsoft Learn… Những nỗ lực bền bỉ ấy đã giúp Trường THPT Võ Thành Trinh gặt hái nhiều thành tích ấn tượng: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang năm 2020 và 2021 vì thành tích tiêu biểu trong phòng chống dịch và ứng dụng CNTT trong dạy học. Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang (2021). Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (2023) vì đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.
Đặc biệt, đây là trường công lập duy nhất tại An Giang được Microsoft toàn cầu công nhận là Trường học điển hình Microsoft suốt 4 năm liên tiếp (2021–2025). Ngoài ra, giáo viên của trường đạt giải khuyến khích quốc gia tại Diễn đàn E2 Việt Nam 2022–2023; học sinh vào top 20 sản phẩm xuất sắc nhất Cuộc thi Imagine Cup Junior toàn quốc.
Không giữ riêng cho mình, nhà trường còn tích cực lan tỏa kinh nghiệm chuyển đổi số đến các trường: chia sẻ trực tuyến và trực tiếp tại Trường THPT Châu Văn Liêm (Chợ Mới), Trường Phổ thông FPT (Cần Thơ), Hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên” 2024 do Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới tổ chức.
Hành trình chuyển đổi số tại Trường THPT Võ Thành Trinh là minh chứng rõ nét cho sự thích ứng, sáng tạo và tiên phong trong giáo dục hiện đại. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là bước đi chiến lược để các cơ sở giáo dục vươn lên mạnh mẽ trong thời đại 4.0. Những kinh nghiệm thực tiễn từ ngôi trường này chắc chắn sẽ tiếp thêm cảm hứng và động lực cho nhiều trường học trên con đường chuyển đổi số./.
Kiều Tiên - Bảo Dinh