Kinh tế - Nông nghiệp

Chợ Mới: Phát triển bền vững cây lúa chất lượng cao giảm phát thải ra môi trường

03:07 07/01/2025

Với không khí sôi động của những ngày đầu năm 2025, huyện Chợ Mới đã chính thức khởi động một chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, đánh dấu một bước đi mới đầy thử thách nhưng cũng tràn đầy hứa hẹn. Đây là mục tiêu không chỉ nâng cao chất lượng lúa, mà còn là giải pháp giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Responsive image

Một trong những dự án trọng điểm mà huyện Chợ Mới đang triển khai là Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Theo kế hoạch, diện tích lúa tham gia Đề án ở An Giang dự kiến sẽ đạt 152.198 ha, chiếm phần lớn diện tích trồng lúa của tỉnh. Đặc biệt, số hộ nông dân áp dụng canh tác bền vững dự kiến sẽ tăng mạnh từ 35.000 hộ vào năm 2025 lên hơn 100.000 hộ vào năm 2030, trong đó tỷ lệ rơm rạ thu gom và tái sử dụng đạt 100%, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dự báo lợi nhuận từ canh tác lúa sẽ tăng hơn 50%, nâng cao đời sống của người dân.

Ngày 25 tháng 7 năm 2024, UBND huyện Chợ Mới đã ban hành Kế hoạch số 1568, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc triển khai Đề án. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc mở rộng diện tích canh tác mà còn tập trung nâng cao năng suất và chất lượng gạo xuất khẩu, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, hướng mạnh đến cộng đồng. Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh không chỉ là chiến lược dài hạn của tỉnh mà còn là mục tiêu quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo và bảo vệ môi trường, với cam kết phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. Từ năm 2024, theo kế hoạch, tỉnh thực hiện trên diện tích 20.609 ha và đến năm 2030 sẽ mở rộng ra 152.198 ha tại 11 huyện, trong đó có Chợ Mới. Năm 2024, huyện thực hiện 100 ha và đến năm 2030 sẽ đạt 6.194 ha.

Để thực hiện mục tiêu này, huyện Chợ Mới không chỉ tập trung vào sản xuất lúa mà còn thay đổi mạnh mẽ cách thức canh tác. Mô hình lúa chất lượng cao kết hợp công nghệ sinh thái và giảm phát thải đã được huyện triển khai từ vụ Thu Đông 2024 tại tiểu vùng 4, xã Nhơn Mỹ. Mô hình này bao gồm 50 ha trồng lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, kết hợp với trồng hoa bảo vệ môi trường. Đến ngày 25/11/2024, toàn bộ diện tích đã thu hoạch với năng suất đạt 6,16 tấn/ha, và được Công ty TNHH Gạo Ngọc Phú thu mua với giá 7.100 đồng/kg. Thành công này đã mở ra cơ hội để Chợ Mới tiếp tục nhân rộng mô hình trong các năm tới. Bà Nguyễn Thị Thúy Hậu  - Trưởng Phòng NN và PTNT huyện, chia sẻ:

“Kết quả hiện tại tương đối khả qua, nhận được sự đồng tình thống nhất cao của bà con trong vùng thực hiện Dự án, trong mô hình trình diễn. Các nội dung triển khai của Đề án như: về tỷ lệ sạ thưa, về cơ giới hóa, thực hiện các biện pháp 1 phải 5 giảm, ứng dụng với các nội dung liên quan công nghệ sinh thái, trồng hoa quanh bờ ruộng,... Với 50 ha này, có 29 hộ tham gia. Thêm 01 tín hiệu rất tốt nữa là đơn vị đã mới được công ty Ngọc Phú liên kết, mua hết sản lượng lúa trên địa bàn. Ngoài 50ha này, thì công ty đã mua thêm 14ha ở địa bàn lân cận, với giá lúa mua cao hơn 100 đồng so với giá bên ngoài”.

Responsive image

Với kết quả ấn tượng này, huyện Chợ Mới tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo và tuyên truyền để giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích và các tiêu chí khi tham gia Đề án. Trong năm 2024, huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, giúp bà con nông dân nâng cao trình độ và áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững. Tuy nhiên, hành trình phát triển này không thiếu thử thách. Diện tích sản xuất lúa vẫn còn manh mún và một số nông dân vẫn chưa quen với phương pháp sạ thưa, khiến việc thay đổi việc canh tác gặp khó khăn. Bên cạnh, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã vẫn còn yếu, dẫn đến khó khăn trong việc bao tiêu sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thúy Hậu  - Trưởng Phòng NN và PTNT huyện nhấn mạnh:

"Ngày 28/11 vừa rồi, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp mời Sở NN, các đơn vị trực thuộc có liên quan, các trạm chuyên môn, lãnh đạo UBND các xã để cùng gặp gỡ, trao đổi, bàn giải pháp triển khai thực hiện năm 2025. Trên cơ sở cuộc họp, với nội dung năm 2025 có 9 địa phương sẽ tham gia thực hiện trong diện tích 745 ha. Qua trao đổi, cơ bản các địa phương thống nhất và quyết tâm thực hiện đạt nội dung Đề án. Theo đó, trong năm 2025 đơn vị sẽ phối hợp với các trạm chuyên môn để tổ chức thực hiện 9 mô hình trình diễn điểm trên địa bàn với diện tích từ 10 -20ha/1 mô hình."

Responsive image

Những xã tham gia vào mô hình canh tác này bao gồm: Nhơn Mỹ, Long Kiến, Long Điền A, Kiến An, Long Giang, An Thạnh Trung, Long Điền, Kiến Thành. Vụ Đông Xuân 2024-2025 thực hiện ở xã Long Kiến, trên diện tích 20 ha. Cùng với đó, các tiêu chí canh tác bền vững sẽ được đẩy mạnh: giảm 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới so với canh tác truyền thống, áp dụng quy trình “1 phải 6 giảm” và đảm bảo 100% diện tích được cấp mã số vùng trồng.

Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng phát triển các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định. Hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng sẽ được ưu tiên đầu tư để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Trưởng Phòng NN và PTNT huyện - Nguyễn Thị Thúy Hậu khẳng định:

 "Đơn vị sẽ tập trung tham mưu UBND huyện thực hiện các giải pháp: xây dựng và tham mưu UBND huyện kế hoạch phát động phong trào thi đua, thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao trong xây dựng NTM; Nâng cao năng lực các HTX, gắn với các nội dung hợp phần theo Đề án đề ra; Phối hợp tuyên truyền đến cả hệ thống chính trị, bà con nông dân hiểu được các tiêu chí và lợi ích khi tham gia Đề án; Tham mưu tổ chức các lớp học tập cho các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng, lãnh đạo các địa phương liên quan để học tập các mô hình đã triển khai có hiệu quả ở các địa phương, để học hỏi, rút kinh nghiệm thực hiện trong thời gian tới”.

Responsive image

Với những nỗ lực từ chính quyền và sự chung tay của nông dân, huyện Chợ Mới đang khẳng định quyết tâm phát triển bền vững, không chỉ trong sản xuất lúa mà còn trong bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân. Chặng đường phía trước chắc chắn còn nhiều thử thách, nhưng với sự đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ từ các cấp, Chợ Mới hoàn toàn có thể bước vào kỷ nguyên mới của nông nghiệp bền vững.

“Chúng ta sẽ làm được, vì một tương lai xanh và bền vững!” – Đó là niềm tin và quyết tâm mà lãnh đạo huyện Chợ Mới gửi gắm vào hành trình đầy hứa hẹn này./.

 

Kiều Tiên

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>