Văn hóa -Xã hội

Lòng dân đã thuận

10:01 15/01/2021

Sẵn sàng hiến phần đất của cá nhân để làm đường đi lại cho tập thể; sẵn sàng tạm dừng sản xuất, kinh doanh dù biết lợi nhuận giảm vì bảo vệ sức khỏe cả cộng đồng; sẵn sàng gác lại công việc riêng tư mà đem công sức đóng góp ra để thực hiện các công trình chung cho xóm ấp,…, là những phần việc thiết thực một khi Chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền đề ra phù hợp và được sự đồng thuận của những người con Chợ Mới trong thời gian qua.
Responsive image
 

Còn nhớ cách đây gần 10 tháng, tức vào những ngày đầu tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16, về thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, phòng chống dịch bệnh Covid 19. Chúng tôi đã thực sự ấn tượng trước không khí yên ắng, thưa thớt xe cộ qua lại trên ngay trên đoạn đường dẫn cầu Ông chưởng, hay các tuyến đường trong khu vực nội ô thị trấn Chợ Mới; hoặc xa hơn là trên tuyến đường tỉnh 942. Thỉnh thoảng lắm mới có phương tiện qua lại, nhưng người điều khiển trên phương tiện đều đồng loạt đeo khẩu trang; chỉ sau 2 ngày Chỉ thị này được ban hành, và sau đúng 1 ngày các chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới lần lượt được ban hành có liên quan đến nội dung này. Điều tưởng chừng như khó xảy ra với những con đường huyết mạch, vốn xe cộ tấp nập, quán xá sầm uất, nhộn nhịp với đủ các dịch vụ ăn uống, giải trí cho hàng trăm lượt khách; và khó xảy ra với một huyện đông dân cư nhất tỉnh như Chợ Mới, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như thế.

 “Nghe Nhà nước thông báo, thì mình cũng chấp hành đóng cửa. khi nào Nhà nước thông báo cho mở lại thì mình mới mở. Nói nào ngay là nó cũng ảnh hưởng thu nhập, nhưng vì đảm bảo an toàn cho mình với cho mọi người thì mình làm à.”

“Đi chợ thì trước tiên mình cũng rửa tay sạch sẽ, rồi mang khẩu trang. Tới chợ thì mình cũng đứng cách xa người khác cỡ 1,5m  khi mình nói chuyện.”

Đó là câu trả lời chúng tôi nhận được từ một chủ quán café tại Thị trấn Chợ Mới, và từ một người dân ngụ tại xã Kiến An, trước những chủ trương, quyết sách chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.

Tiếp sau đó, là những cuộc vận động, phát động từ Mặt trận, các cấp hội, đoàn thể kêu gọi chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid 19, vì sức khỏe cộng đồng. Đáp lại lời kêu gọi này, gần như lập tức 28 tổ may khẩu trang ra đời; đóng góp, tiếp nhận nguồn lực để may, phát gần 400 ngàn khẩu trang vải miễn phí cho người dân trên toàn địa bàn; đồng thời hỗ trợ một phần cho các huyện bạn giải quyết nhanh khó khăn tình trạng thiếu hụt khẩu trang thời điểm bấy giờ. Chị Trần Thị Hồng Liên ngụ ấp Long Thạnh 1, xã Long Giang, và anh Huỳnh Văn Thành - ấp Long Hòa 1, xã Long Kiến – là 2 trong số gần 300 thành viên các tổ may khẩu trang trên toàn huyện, đã từng tâm huyết chia sẻ với chúng tôi trong một lần tác nghiệp vào những ngày cuối tháng 4:

Đồng hành cùng chung tay, chung sức để làm ra những cái khẩu trang cho đẹp, để bà con mình mang, với mục đích là bảo vệ sức khỏe, cùng đẩy lùi dịch bệnh.”

 “Thấy khả năng mình bây giờ thì mình may được, mà khẩu trang vải này cũng không khó làm, thấy mình làm được nên tham gia làm; để ủng hộ vào phong trào, giúp đỡ bà con mình ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”

Càng ấn tượng hơn nữa, khi trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng, nhưng mỗi cá nhân, mỗi tổ chức vẫn sẵn sàng đóng góp nguồn lực, ngày công thực hiện các công trình phúc lợi, chăm lo an sinh xã hội. Con số tổng kết cuối năm qua đã lên đến hơn 93 tỷ đồng; hàng ngàn ngày công lao động, 615 căn nhà Đại đoàn kết, 51 cây cầu được xây mới; 7 xe chuyển bệnh miễn phí được mua thêm, 130 camera an ninh được đầu tư bổ sung, nâng tổng số camera an ninh toàn huyện lên 513 máy...

Gần như tháng nào trong năm, cũng nghe đâu đó cây cầu này, con đường nọ, hay căn nhà kia vừa được hoàn thành trong niềm hân hoàn, phấn khởi chưa dứt, thì lại có cây cầu nọ, con đường kia, căn nhà khác liền được khởi công mới. Đáng nói hơn nữa, là những cây cầu, những con đường, những căn nhà được đóng góp xây dựng không phải chỉ để chạy theo thành tích, sơ sài, chiếu lệ; mà được thực hiện bài bản, đảm bảo công trình vững chãi, kiên cố. Bởi ngoài số tiền được hỗ trợ, đóng góp, các công trình này còn được hoàn thiện từ bàn tay, công sức, và nghĩa tình của các anh em, họ hàng, bà con chòm xóm, và hơn tất cả, đó là sự đoàn kết, đồng lòng của cả cộng đồng.

Nếu có dịp đi khắp các địa bàn, các khu vực trong huyện chắc hẳn nhiều người phải ngạc nhiên, bởi có những con đường, những cây cầu chỉ để bà con trong xóm ấp lưu thông, chưa hẳn là tuyến huyết mạch, nhưng cũng rất “hoành tráng” - được bê tông hóa, nhựa hóa kiên cố, chịu tải trọng vài tấn hẳn hòi, “chấp luôn” xe 4 bánh qua lại. Mà những “ông kỹ sư”, “ông thợ xây”, có khi kiêm luôn “nhà tài trợ” chính là người dân địa phương ở ngay khu vực đó, đồng thuận từ các chỉ tiêu, kế hoạch của địa phương, đã tích cực đóng góp, tham gia thực hiện.

Chú Lưu Dự Châu, sinh năm 1952, ngụ ấp Bình Tấn, xã Bình Phước Xuân – một trong những cá nhân như thế đã chia sẻ với chúng tôi: “Mấy anh em ở đây xúm nhau cùng làm, người nào mắc xịt xoài thì ngưng 1 bửa, còn bình thường thì cũng lại đây tiếp, có người nghỉ, người tiếp lai rai. Kể như là mình hùn với nhau mình mần đó. Anh em ở đây mần thì không có tính tiền công, trưa thì về ăn cơm nhà. Mới đầu thì cũng đóng góp lai rai, mình đổ lần lần; tới đâu người ta đóng góp tiền tới đó.”

Từ đây mới thấy, khi “dân vận khéo” được tiến hành đồng bộ, bài bản... đi vào lòng người, thì dù là việc chấp hành ngay việc giãn cách xã hội đối với huyện mật độ dân số đông như Chợ Mới chỉ trong 1, 2 ngày; hay thành lập tức khắc mấy chục tổ may hoạt động miễn phí, cho ra đời gần 400 ngàn khẩu trang trong thời gian ngắn là điều tưởng chừng như kỳ diệu, nhưng hoàn toàn có thể. Cũng từ sự đồng thuận của người dân, dù trong điều kiện khó khăn thế nào, thì các chỉ tiêu, kế hoạch đã định hướng, cũng chắc chắn hoàn thành, và thậm chí hoàn thành cao hơn mức đề ra. Đúng như lời Bác Hồ đã từng nói về công tác dân vận: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” - lời dạy này đã, đang và sẽ tiếp tục được các cấp các ngành của huyện nhà Chợ Mới khẳng định, chứng minh, thông qua việc vận dụng sáng tạo trong điều kiện thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

 

Thanh Liên

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>