07:54 15/04/2025
Trải qua 50 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách - đặc biệt khi là địa phương được giải phóng sau cùng của tỉnh An Giang - huyện Chợ Mới đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết của nhân dân, Chợ Mới hôm nay đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển vượt bậc và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Những thành tựu đạt được là kết tinh từ xương máu, mồ hôi, công sức và trí tuệ của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Đặc biệt, những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực “tam nông” – nông nghiệp, nông dân và nông thôn – đã góp phần quan trọng đưa Chợ Mới hòa nhịp cùng xu thế phát triển chung của cả nước.![]() |
Sau ngày giải phóng, nền kinh tế huyện Chợ Mới chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chỉ canh tác lúa một vụ với năng suất thấp và bấp bênh; lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng thiếu việc làm; kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu kém. Giao thông xuống cấp, thủy lợi nội đồng bị bồi lắng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường và đức tính cần cù, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Chợ Mới từng bước vượt qua gian khó, đặc biệt từ khi triển khai công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Trong đó nổi bật, phải kể đến việc khởi công xây dựng công trình đê bao kiểm soát lũ vào tháng 8 năm 1995 – công trình được ví như “công trình thế kỷ” của huyện với tổng mức đóng góp hơn 80 tỷ đồng trong 5 năm. Công trình này không chỉ giúp bảo vệ sản xuất mà còn tạo điều kiện phát triển hạ tầng nông thôn và đảm bảo an toàn cho người dân. Nhờ đó, huyện chuyển từ mô hình sản xuất 2 vụ lúa truyền thống sang 3 vụ/năm, với năng suất bình quân 5,2 tấn/ha, mang lại lợi nhuận hơn 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, như: sử dụng giống lúa mới, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến IPM, FPR, 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm ... đã giúp ngành nông nghiệp có những bước đột phá. Năng suất bình quân đạt từ 10 đến 12 tấn/ha/năm.
Chú Đoàn Hữu Tâm, xã Long Điền A thông tin: “Trong quá trình canh tác lúa, tôi có áp dụng các chương trình tiến bộ kỹ thuật: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IBM,… giúp quản lý dịch hại được hiệu quả. Đồng thời sử dụng Drone để phun thuốc giúp tiết kiệm chi phí, công lao động. Trong quá trình thu hoạch, tôi sử dụng máy gặt đập liên hợp, giúp thất thoát sau thu hoạch, từ đó giúp gia đình chúng tôi được tiết kiệm chi phí và tăng được lợi nhuận so với thời kỳ trước”.
Hiện nay toàn huyện có 84 tiểu vùng sản xuất, với diện tích 24.950 ha. Nhờ hệ thống thuỷ lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp, duy tu sửa chữa phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả. Diện tích canh tác lúa hiện còn 12.195 ha, chiếm 48,88% diện tích sản xuất nông nghiệp; cây màu 4.461 ha và cây ăn trái 8.294 ha. Toàn huyện đã được cấp 117 mã số vùng trồng trên cây lúa, cây màu và cây ăn trái, với tổng diện tích 12.502 ha.Tổng diện tích được chứng nhận VietGAP là 1.099 ha góp phần nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Năm 2024 bình quân diện tích chuyển đổi sang trồng màu tăng gấp 3,16 lần và cây ăn trái tăng gấp 1,05 lần so với trồng lúa.
Chú Nguyễn Văn Hùm, người dân ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ vui mừng nói: “Tôi nhận thấy sự phát triển của địa phương ngày càng được nâng cao. Ví dụ như về mặt kinh tế - xã hội cũng như về mặt vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh – sạch – đẹp, đời sống người dân tương đối ổn định hơn. Đối với tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó và thắt chặt nhiều hơn”.
Sự phát triển của nông nghiệp kéo theo đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt 77,6 triệu đồng. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,26%, hộ cận nghèo còn 2,12%. Diện mạo nông thôn khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, những ngôi nhà khang trang mọc lên, người dân ngày càng năng động, tích cực lao động sản xuất. Đạt được những thành quả to lớn đó là nhờ sự cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước, cùng sự chủ động huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Đến cuối năm 2024, toàn huyện có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, các phong trào thi đua yêu nước, “Dân vận khéo”, và 4 đề án trọng điểm của Huyện ủy về xây dựng cầu, đường, nhà ở và tuyến đường hoa tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ với tổng kinh phí huy động trong năm 2024 hơn 86 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đây là minh chứng cho sự đồng thuận và tinh thần trách nhiệm cao của người dân cùng chính quyền địa phương trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Ông Phan Thành Lý, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Điền B nói: “Hạ tầng giao thông, ngoài sự đầu tư của huyện, xã vận động trong nhân dân hiến đất, mở đường cho người dân lưu thông thuận tiện. Chính sách an sinh xã hội, xã tiếp tục vận động, hỗ trợ cất nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Xã tập trung chỉ đạo cho lực lượng công an, quân sự tăng cường tuần tra, không để xảy ra trọng án trên địa bàn.”
Với chương trình phát triển “tam nông” làm nền tảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Mới tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Những nỗ lực ấy nhằm xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới./.
Bảo Dinh