04:17 08/05/2023
Đến thời điểm này, nông dân xã An Thạnh Trung đã thu hoạch trên 100 ha bắp non theo hợp đồng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, màu với Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Tuy chưa có sơ kết đánh giá kết quả cụ thể nhưng bước đầu cho thấy vụ bắp non năm nay đã mang lại lợi nhuận khá cao cho người nông dân, so với các loại cây trồng ngắn ngày khác.Theo ghi nhận trong vụ một năm 2023 này, lợi nhuận mỗi ha bắp non đạt 60 triệu đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2022 gần 10 triệu đồng/ha. Tùy vào giống bắp, thời gian sinh trưởng có khác nhau; nhưng trung bình bắp non có thời gian sinh trưởng ngắn, dao động ở mức 65 ngày tuổi. Từ khi gieo hạt đến ngày thứ 55 thì có thể thu hoạch và kéo dài khoảng 15 ngày là kết thúc, cho nên nông dân có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm.
Chia sẻ về việc này, nông dân Nguyễn Văn Gỏi, nói: “một năm có thể sản xuất bốn vụ bắp, bốn vụ bắp là thừa sức, nhưng mà một hai mùa thì đất chai, mình phải xới lên làm mới lại, chứ một năm làm bốn, năm vụ mà không xới thì có trúng được đâu, vì đất chai hết rồi”.
Không những thời gian sinh trưởng ngắn mà chi phí trồng bắp cũng tương đối thấp, mỗi ha khoảng 25 triệu đồng, bao gồm công làm đất, hạt giống, tỉa dặm, phân thuốc và nhân công. Nhờ trồng bắp có lợi nhuận khá cao nên dự kiến trong năm 2023 này, số diện tích trồng sẽ tăng hơn các năm trước. Nếu như năm 2022, toàn xã An Thạnh Trung hợp đồng sản xuất 220 ha, thì năm 2023 này tăng lên 540 ha và được đại diện Công ty Antesco, thống nhất hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân, nhưng phải gieo trồng rãi vụ và liên vụ trong năm, chứ không tập trung vào một thời điểm, nhằm đảm bảo số lượng bắp cung cấp cho công ty. Trái với gieo trồng tập trung thì việc gieo trồng bắp rãi vụ sẽ là điều kiện thuận lợi cho người nuôi bò, vì toàn bộ: thân, vỏ và râu cây bắp non đều là nguồn thức ăn cho bò. Gia đình nào có điều kiện thì thực hiện mô hình trồng bắp nuôi bò, trái bắp sau khi cắt xong sẽ được tách vỏ, phần trái sẽ cân ký bán cho công ty, phần vỏ và râu bắp dùng làm thức ăn rất tốt cho bò.
Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp non mang lại nhiều kinh tế cho người dân và lợi nhuận còn tăng thêm nếu kết hợp mô hình trồng bắp và nuôi bò. Qua đây có thể thấy, đây là mô hình chuyển đổi cây trồng đúng theo định hướng chính quyền. Nhưng so với tốc độ phát triển mô hình này chưa cân xứng, bởi còn nhiều vướng mắc, mà chủ yếu ở khâu hợp đồng mua bán, tuyển chọn kích cỡ trái và giá cả, đòi hỏi chính quyền địa phương phải quan tâm hơn nữa để giải quyết khó khăn cho người nông dân, có như vậy thì diện tích trồng bắp mới phát triển nhiều hơn, bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Phương Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung cho biết: “về phía UBND xã sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối quan hệ liên kết sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nông hộ. Tạo điều kiện liên kết thành những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu đầu tư cũng như ứng dụng khoa học công nghệ để đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, một vùng sản xuất bắp non trên địa bàn xã”.
Nếu bài toán hợp đồng theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau quả do Công ty Antesco thực hiện theo hướng có nhiều lợi ích và hài hòa hơn với nông dân, thì diện tích trồng bắp thu trái non kết hợp chăn nuôi bò sẽ tăng lên. Điều này, không những giúp cho nông dân ổn định sản xuất, số lượng đàn bò tăng, mà còn tạo ra việc làm cho nhiều lao động nông thôn cải thiện thu nhập và giúp Công ty có được nguồn nguyên liệu ổn định để phát triển và mở rộng.
Với những kết quả bước đầu đạt được từ mô hình trồng bắp theo chuỗi liên kết sản xuất và sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tin rằng người dân An Thạnh Trung sẽ mạnh dạn và vững vàng hơn trong lao động sản xuất, mở rộng diện trồng bắp, cùng với doanh nghiệp, chính quyền địa phương nâng cao giá trị nông sản, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp mà các cấp, các ngành đang hướng đến./.
Thanh Tú