12:53 24/11/2024
Nhằm tạo nguồn kinh phí, cơ hội nghề nghiệp để hỗ trợ nông dân có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Hội Nông dân huyện Chợ Mới đã đăng ký và thực hiện dự án “Nông dân khởi nghiệp”, với mô hình nuôi Dê tại xã Hòa An. Mô hình này, đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu, giúp nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.Với phương châm “hỗ trợ cần câu cho hội viên nông dân”, tháng 6/2023, Hội Nông dân huyện Chợ Mới đã tổ chức lễ trao Dê cho 6 hộ nông dân, trong đó, xã Hòa An có 03 hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, cần cù chịu khó, chí thú làm ăn để thực hiện mô hình, mỗi hộ nhận được 4 con Dê (3 con cái và 1 con Dê đực). Đơn cử là hộ dân Lê Công Tâm, thuộc diện gia đình hộ nghèo, ấp An Thạnh, xã Hòa An. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay đàn Dê của gia đình sinh sản tốt và đang mang lại hiệu quả kinh tế. Anh Tâm phấn khởi:
“Trong thời gian qua, địa phương cũng hỗ trợ cho gia đình đàn Dê để nuôi phát triển kinh tế. Trong thời gian nuôi đạt tỷ lệ rất là tốt. Lúc đầu, Nhà nước hỗ trợ cho gia đình 3 con cái và 1 con đực, nhưng bây giờ sinh sản tốt đạt được 10 con. Dê cái cũng trong thời gian có bầu, đạt hiệu quả rất tốt.”
Khởi nghiệp thực hiện chăn nuôi dê, bước đầu anh cùng với các hộ nông dân gặp không ít khó khăn về kỹ thuật nuôi và chưa có kinh nghiệm. Nhưng với tinh thần chủ động, học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ các hộ chăn nuôi khác, qua mạng internet và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chăm sóc Dê do Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện và Trạm Thú y tổ chức. Nhờ đó, sau hơn 1 năm chăm sóc, đàn Dê ban đầu có 12 con (4 hộ dân), đến nay đàn Dê đã sinh sản tốt, nâng tổng số lên 20 con. Anh Tâm mong muốn:
“Về nguồn vốn vẫn còn eo hẹp, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn để phát triển kinh tế hơn. Đồng thời, về chuồng trại thì chưa tốt lắm nên cũng nhờ địa phương hỗ trợ thêm để làm chuồng trại cho kiên cố.”
Mô hình nuôi Dê có tính khả thi so với các loài vật nuôi khác. Vì nuôi ít tốn công chăm sóc, chi phí ban đầu thấp, nguồn thức ăn dễ kiếm, diện tích chuồng lại không lớn. Thức ăn chủ yếu là cỏ và các loại lá rau,… nên các hộ chăn nuôi không chịu áp lực với việc tăng giá thức ăn. Trong quá trình chăm sóc, có thể bổ sung lượng thức ăn phù hợp, cũng như kiểm soát được chất lượng con giống. Mô hình nuôi Dê nhốt chuồng khá nhàn rỗi nên người nuôi vẫn có thời gian làm thêm những việc khác. Dê sinh trưởng nhanh, thời gian thu hồi vốn ngắn. Ngoài ra, việc nuôi Dê còn giúp nông dân tận dụng được nguồn phân để bán, tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên, về dịch bệnh, Dê thường dễ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hệ hô hấp. Vì thế, người nuôi phải đặc biệt chú ý kiểm soát chất lượng thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, chủ động phòng bệnh, tiêm ngừa bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng và các bệnh hô hấp khác vào các thời điểm giao mùa. Đồng thời, cần vệ sinh chuồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ, tránh ánh nắng, sàn chuồng làm bằng gỗ cách mặt đất khoảng 1m, vì loài Dê không ưa độ ẩm cao.
Hiện những hộ nuôi Dê ở trên địa bàn xã rất phấn khởi và tiếp tục đến Hội Nông dân xã đăng ký thực hiện mô hình nuôi Dê khởi nghiệp, sau khi thu hồi đàn Dê bố mẹ. Thời gian tới, bà Đặng Thị Kiều Tiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An định hướng:
“Để duy trì và phát triển mô hình này, Hội Nông dân xã Hòa An đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi Dê, với 07 hộ nuôi, tổng đàn có hơn 200 con. Để mô hình này tiếp tục phát triển, Hội cũng hướng dẫn, giới thiệu các hộ nuôi với ngân hàng chính sách xã hội huyện vay vốn để mở rộng mô hình này. Đồng thời, phối hợp với cán bộ Thú y và ngành nông nghiệp để hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, kỹ thuật nuôi, giúp người dân cập nhật thêm các kiến thức và nắm bắt tình hình giá cả thị trường.”
Có thể nói, mô hình nuôi Dê từ dự án “Nông dân khởi nghiệp” ở xã Hòa An, huyện Chợ Mới đã và đang mang lại hiệu quả, tạo việc làm cho lao động nông thôn, từ đó góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương./.
Minh Kỵ - Hồ Toàn