Kinh tế - Nông nghiệp

Rà soát - chấn chỉnh tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi

03:27 24/05/2023

Theo báo cáo của ngành chuyên môn, trong 03 tháng đầu năm 2023 cả nước có: 05 ổ dịch Cúm gia cầm tại 4 tỉnh, số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 7.000 con; 15 ổ dịch Lở mồm long móng tại 6 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh trên 600 con; 31 ổ dịch Viêm da nổi cục tại 5 tỉnh, số trâu, bò mắc bệnh trên 200 con; 81 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 26 tỉnh, thành phố, trên 3.400 con lợn mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy; dịch bệnh Tai xanh sau nhiều năm đã được khống chế tốt. Gần đây vi rút Tai xanh đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Thanh Hóa,…); chó nghi mắc bệnh Dại đã được báo cáo tại 21 tỉnh, thành phố; đặc biệt có 18 người chết vì bệnh Dại tại 13 tỉnh, thành phố. Nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao, gây tổn thất lớn về kinh tế, phát triển chăn nuôi và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

 

Theo kết quả kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh thời gian qua là do: Tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, nhiều nơi chỉ đạt dưới 30%, đặc biệt nhiều gia súc, gia cầm và chó nuôi không được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch. Trong khi đó, kết quả giám sát chủ động cho thấy nhiều loại mầm bệnh nêu trên đang còn lưu hành rộng rãi, tỷ lệ lưu hành cao.

Nhằm khắc phục ngay những tồn tại nêu trên, giảm thiểu và không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra ở diện rộng. Ngày 23/5/2023, ông Đoàn Thanh Lộc - Phó chủ tịch UBD huyện Chợ Mới đã ký, ban hành Công văn số 1090 về việc rà soát, chấn chỉnh tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh. Chủ trì phối hợp các thành viên Đoàn Kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng của địa phương. Phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y theo dõi, tổng hợp và báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện tình hình tiêm phòng cho đàn vật nuôi cũng như các vướng mắc, khó khăn để điều chỉnh kịp thời.

Trạm Chăn nuôi và Thú y tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh tại từng địa phương. Căn cứ tình hình lưu hành các loại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo sử dụng vắc xin; khẩn trương tổ chức triển khai các đợt tiêm phòng đảm bảo thời gian quy định; rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin. Riêng đối với tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật của ngành Thú y. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng và thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình dịch bệnh động vật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành và báo cáo về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh phát thanh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người nuôi và cộng đồng về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Tích cực tham gia hưởng ứng việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: Chỉ đạo các ban ngành địa phương phối hợp, hỗ trợ nhân viên Thú y: Rà soát lại số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thuộc diện phải tiêm phòng, lập danh sách đăng ký về Trạm để tiến hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi (trường hợp hộ chăn nuôi tự tiêm phòng phải có giấy xác nhận hoặc cam kết). Tăng cường triển khai công tác tiêm phòng, tổ chức tiêm phòng mới, tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin Cúm gia cầm, Dại, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tai xanh,...) cho đàn vật nuôi theo đúng quy định của Luật Thú y. Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên cho vật nuôi biện pháp tốt nhất để phòng bệnh./.

 

Kiều Tiên

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>