Kinh tế - Nông nghiệp

Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Chợ Mới năm 2024

03:40 24/05/2024

Năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Chợ Mới diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 08 đợt dông lốc và 36 đoạn sạt lở lớn nhỏ trên các tuyến đê bao, đường giao thông, ước tổng thiệt hại khoảng 71 tỷ 575 triệu đồng. Năm 2024, ngành chuyên môn dự báo: Mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét có thể làm thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.
Responsive image

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, công trình và có các biện pháp ứng phó đối với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới ban hành kế hoạch số 971, ngày 20/5/2024 về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện năm 2024.

Theo đó, yêu cầu phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện đẩy nhanh thi công các công trình kênh, mương bị cạn kiệt, đảm bảo đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Cập nhật tin tức thời tiết, mực nước từ Trung ương và tỉnh, thông báo kịp thời ban ngành huyện, thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện và các xã, thị trấn có kế hoạch và phương án ứng phó kịp thời. Tổ chức trực ban 24/24 vào mùa mưa, lũ. Tổng hợp kinh phí mua vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai. Hỗ trợ di dời các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Tổng hợp danh mục sạt lở.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp Điện lực Chợ Mới đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn để các trạm bơm hoạt động; khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng. Kiểm tra mạng lưới giao thông, rà soát các vị trí giao thông, cầu, đường thường xuyên bị nước lũ tràn ngập, có nguy cơ bị sạt lở để chủ động khắc phục đảm bảo an toàn trước khi lũ về. Bổ sung các biển báo giao thông đường bộ. Phối hợp tổ chức điều tiết giao thông khi có lũ lụt xảy ra. Rà soát, thống kê các phương tiện vận tải, thiết bị của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chủ động huy động. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình đảm bảo kỹ thuật quy định để phòng chống lụt, bão. Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm đối với mọi hành vi xây dựng công trình trái phép, không đúng quy hoạch và không đảm bảo an toàn trên sông, kênh, rạch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở, loại hình sản xuất, tồn trữ, sử dụng, kinh doanh hoá chất, các cơ sở kinh doanh, tồn trữ xăng dầu, khí đốt hoá lỏng.

Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng các phương án xử lý các chất thải, rác thải, xác động vật chết, bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước sau khi có bão, mưa lũ xảy ra. Phối hợp tổ chức quan trắc, khảo sát các đoạn sông được cảnh báo sạt lở; kịp thời thông báo, cảnh báo tình hình sạt lở trên địa bàn huyện để chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn.

Phòng Y tế, Trung Tâm Y tế: Xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ số thuốc, phương tiện để phục vụ trong mùa lũ. Thành lập các đội y tế lưu động và tập huấn trước mùa mưa, bão. Tăng cường quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh và phối hợp xử lý các vấn đề về môi trường, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ, chỉ đạo việc cấp cứu nạn nhân, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau lũ lụt, mưa bão.

Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh: tuyên truyền về công tác phòng, chống hạn hán; kịp thời đưa tin tình hình hạn hán, cập nhật diễn biến, tình hình mưa lũ để người dân chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện sớm nâng cấp, sửa chữa cống bị hư hỏng, nạo vét kênh mương tạo nguồn năm 2024, kịp thời đưa vào sử dụng. Đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo hoàn thành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất trong mùa mưa lũ. Khẩn trương hoàn thành cơ sở hạ tầng các cụm tuyến dân cư và kết hợp với các địa phương phân phối nền nhà bố trí dân cư vào ở. Phối hợp các ngành tăng cường quản lý xây dựng công trình trong khu vực cảnh báo sạt lở và triển khai thực hiện tốt công khắc phục sạt lở.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện chuẩn bị nhân lực, vật lực, xăng dầu, lều tạm, thuốc thiết yếu, hàng hoá dự trữ,… Dự kiến nơi ở tạm để di dời khi cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất. Tận dụng tối đa nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm 4 tại chỗ để xử lý, khắc phục nhanh các tình huống lũ lụt, sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất và đời sống nhân dân. Phối hợp với các địa phương tổ chức diễn tập công tác tìm kiếm cứu nạn cấp xã.

Công an huyện: Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn của các bến đò ngang, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa. Sẵn sàng cơ động lực lượng để phối hợp với quân đội, lực lượng địa phương thực hiện sơ tán, di dời, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phối hợp thực hiện nạo vét kênh mương. Đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của cấp có thẩm quyền. Xác định các điểm xung yếu để đặt các chốt cứu hộ, dự trù kinh phí để chuẩn bị tốt cho công tác tìm kiếm cứu nạn.../.

 

Thanh Liên

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>