Nông thôn mới

Giao thông nông thôn Kiến Thành 5 năm xây dựng và phát triển

03:10 26/10/2023

Kiến Thành là một xã được tách từ Kiến An vào năm 1979, trước đây nơi làm việc của xã phải đặt tạm tại trụ sở của hợp tác xã bị giải thể; kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu; hệ thống giao thông chưa thông suốt, cầu tre, cầu gỗ tạm bợ còn nhiều; hệ thống kênh, rạch chằng chịt; đường giao thông chủ yếu bằng đất nên rất khó khăn trong quá trình đi lại và vận chuyển giao thương hàng hóa của nhân dân.

 

Là xã nông thôn của huyện Chợ Mới, dân số hơn 17.200 người, với trên 4.800 hộ. Dân cư được phân bố ở 08 ấp và tham gia sinh hoạt ở 179 tổ tự quản, nguồn thu nhập chính của nhân dân chủ yếu là làm nông, chiếm hơn 70%; số còn lại hộ sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển giao thông nông thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Công tác vận động xã hội hoá xây dựng giao thông nông thôn xã Kiến Thành lúc đầu còn nhiều trở ngại. Nhưng khi những công trình giao thông nông thôn đầu tiên được xây dựng hoàn thành, người dân thấy được việc làm mang lại lợi ích trực tiếp cho mình nên đa số đều đồng tình hưởng ứng. Để công tác xây dựng giao thông nông thôn hiệu quả, UBND xã thành lập Ban giám sát công trình; Ban vận động để phối hợp giám sát trong thời gian thi công nhằm đảm bảo được thi công đúng chất lượng, hiệu quả và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhờ tính công khai, dân chủ, minh bạch mà công trình giao thông nông thôn đi ngang đất dân, dân hiến đất; ảnh hưởng đến cây cối, người dân sẵn sàng đốn hạ và ủng hộ công sức lao động để cầu, đường sớm được xây dựng.

Trong 5 năm qua, địa phương đã đề nghị về trên hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn xây dựng NTM, dự án Nam Vàm Nao để xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng với tổng số tiền 118 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đường đê bao kết hợp với betong tuyến đường Cà Mau, tây Mương Lớn, Bắc Ấp Sử; các tuyến đường nội đồng như: Dòng Sung, kênh 5 - Gáo Một, Lung Giang, đường số 1, đường ấp chiến lược. Đã nạo vét 34 tuyến kênh, mương thuỷ lợi nội đồng, xây dựng 04 cống hở và 21 cống tròn. Thường xuyên vận động nguồn xã hội hoá để thực hiện rãi đá bụi các tuyến nội đồng, sửa chữa các cầu gỗ, tổng số tiền 26 tỷ đồng. Xây dựng và đưa vào sử dụng 07 cây cầu (trong đó 03 cầu bê tông, 02 cầu sắt và 02 cầu ván) kinh phí trên 2 tỷ đồng… Đến nay, xã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, phục vụ dân sinh, những yếu tố đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. 

Responsive image

Chính hiệu quả thiết thực như vậy, Đảng bộ xã Kiến Thành xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Xây dựng giao thông nông thôn đã góp phần cho địa phương không ngừng phát triển kinh tế: Tổng giá trị nông nghiệp hơn 93,7 tỷ đồng (tăng 21 tỷ đồng so với nhiệm kì qua), giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 415 tỷ đồng (tăng 108 tỷ đồng); thương mại - dịch vụ đạt 325 tỷ đồng, tăng 112 tỷ đồng). Người dân có việc làm ổn định, cũng như trong và ngoài tỉnh đạt trên 90%. Nổi bật nhất là khơi dậy cho mọi người, mọi nhà tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, vận dụng triệt để đất đai, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật các mô hình sản xuất góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân, nâng thu nhập bình quân đầu người trên 52 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 1,32%, so với nhiệm kì trước giảm 5,52%. Các hoạt động phối hợp, lồng ghép các nội dung, chương trình, tiêu chí của các ngành, đoàn thể vào phong trào chung đã đem lại kết quả đáng phấn khởi như: hưởng ứng tích cực xây dựng gia đình sức khoẻ, ấp sức khoẻ; gia đình hiếu học; hộ, ấp, xã an toàn về an ninh trật tự, hộ cam kết thực hiện an toàn giao thông; xây dựng xã lành mạnh không có ma túy,…

Nhìn chung, từ phong trào xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn đã mang lại những tín hiệu tích cực trong xã hội như: Các chỉ tiêu về y tế, giáo dục được thực hiện tốt; tình làng nghĩa xóm được củng cố; nhân dân tham gia đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, làm nhân đạo từ thiện ngày càng nhiều; an ninh, chính trị được đảm bảo. Nổi bật, nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, của, cải tạo, nâng cấp xây dựng mở rộng đường giao thông liên xã, liên ấp như: sửa chữa cầu Lung Giang, mở rộng taluy đường từ cầu Cái Xoài đến giáp ranh xã Nhơn Mỹ… Cũng từ phong trào này đã góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước cộng đồng dân cư; cán bộ đảng viên ngày càng gắn bó với người dân; nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Hằng năm, UBND xã phối hợp với các ngành tuyên truyền nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra còn kết hợp với các ngành chuyên môn cấp huyện, nâng cấp sửa chữa những đoạn đường xuống cấp… Từ những kết quả đạt được, khẳng định phát triển giao thông là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, tích cực thay đổi diện mạo nông thôn và tin tưởng rằng kế hoạch đạt xã Nông thôn mới nâng cao sẽ sớm hoàn thành./.

 

Bích Trâm

các tin khác
  • <<
  • <
  • 1
  • >
  • >>